Tình hình dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp khiến chỉ số Vnindex mất 14.2% so với vùng đỉnh gần nhất tháng 11/2019 và 27.16% so với đỉnh lịch sử tháng 04/2018. Chỉ số S&P 500 cũng có tuần giảm lịch sử khi ghi nhận mức giảm 10% và mất 14.5% so với vùng đỉnh lịch sử trong hơn 10 ngày.

Số ít những nhà kinh tế cho rằng Việt Nam không nên sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng do vấn đề dịch bệnh liên quan đến sự thiếu hụt tạm thời bên cung (nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung quốc). Còn bên cầu là vấn đề bên ngoài Việt Nam như ngành du lịch mất khách, ngành nông nghiệp không xuất khẩu được và tâm lý.

Nhưng phần lớn những nhà kinh tế học kể cả những người thận trọng vẫn cho rằng Việt Nam nên sử dụng cả 2 chính sách trên như tăng chi tiêu mạnh vào ngành y tế, tăng chi trả thất nghiệp cho ngành du lịch, nông nghiệp, tăng đầu tư hạ tầng, và các chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho các ngành bị ảnh hưởng nặng.

Vậy nên, chúng tôi giữ quan điểm lạc quan rằng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh covid-19 qua đi, và thị trường chứng khoán sẽ tạo đáy ngay khi dịch bệnh được khống chế diện rộng.

Về mặt kỹ thuật chỉ số Vnindex và VN30 đồ thị tuần đang ở ngưỡng hỗ trợ mạnh. Nhưng xét trên tín hiệu nhiều cổ phiếu lớn như VNM, VIC, VHM, VCB, SAB… thì việc tham gia bắt đáy là không nên. Nhà đầu tư nên chờ tín hiệu tạo đáy thực sự của dịch bệnh và vnindex.

Đồ thị tuần VNindex & VN30 đang chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh

Đồ thị Vndiamond và đặc biệt là VnFinlead vẫn cho thấy dấu hiệu lạc quan. Cùng với sự cấp phép của 2 ETF VNdiamond và ETF VNFinlead thì rõ ràng những cổ phiếu thuộc 2 nhóm này là rất đáng quan tâm, nhất là những mã đang giữ được mức giá trên đường MA200.